Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội, nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam, từ lâu đã trở thành một ngôi nhà chung sâu nặng nghĩa tình, gắn kết thân thương, giàu kỷ niệm một thời đáng nhớ của nhiều thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên, viên chức, người lao động nông nghiệp, đồng bào trong cả nước và bầu bạn quốc tế...

Trải qua hơn nửa thế kỷ phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu khi Người về thăm trường (24/5/1959): “Đoàn kết chặt chẽ, cố gắng không ngừng để tiến bộ mãi!”, phát huy truyền thống vẻ vang của một đơn vị Anh hùng, nhà trường đã góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Ngay sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng - hòa bình thống nhất đất nước đã có 135 anh chị em là cựu cán bộ, sinh viên đồng môn từ khóa 1 đến khóa 49 của Trường Đại học Nông nghiệp I, rời thành phố Hà Nội và nhiều địa phương khác lần lượt vào Đà Lạt - Lâm Đồng, một địa bàn chiến lược trọng yếu ở Nam Tây Nguyên, để phục vụ nhiệm vụ chính trị chung và sinh cơ lập nghiệp lâu dài...

 

PGS-TS Nguyễn Văn Uyển bên vườn khoai tây tại thành phố Đà Lạt

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập Học viện Nông nghiệp Việt Nam (12/10/1956 - 12/10/2016), Ban Liên lạc cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam ở Lâm Đồng được thành lập và đi vào hoạt động từ 1996, đã mạnh dạn tổ chức vận động nội bộ sáng tác, sưu tầm, biên tập, ấn hành... và xuất bản cuốn sách “Từ mái trường Nông nghiệp I đến cao nguyên Lâm Viên” (NXB Đại học Nông nghiệp) làm món quà tinh thần gửi về chào mừng sự kiện lịch sử trọng đại của Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 Nội dung chủ yếu của tác phẩm “Từ mái trường Nông nghiệp I đến cao nguyên Lâm Viên” tập trung phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống lao động sáng tạo, tinh thần trách nhiệm tận tụy phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với đồi ruộng, buôn làng cùng bà con các dân tộc Tây Nguyên của những cựu cán bộ, sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam làm lực lượng nòng cốt xung kích trên mặt trận hàng đầu là sản xuất nông-lâm nghiệp ở Lâm Đồng. Trải qua hơn 40 năm đoàn kết phấn đấu, kiên trì vượt qua mọi khó khăn, thách thức phức tạp, anh chị em đã góp phần đưa tỉnh Lâm Đồng trở thành một trong những đơn vị đi đầu cả nước trong ứng dụng tiến bộ kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất rau, hoa, cây công nghiệp đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả bền vững và an toàn. Trong quá trình xây dựng thành công Vùng kinh tế mới Hà Nội tại Lâm Đồng, tiến tới thành lập huyện Lâm Hà được như hôm nay cùng với việc tổ chức thực hiện chủ trương, kế hoạch tiếp nhận, khôi phục, phát triển mạnh ngành nghề Dâu - Tằm - Tơ ở thành phố Bảo Lộc và cả tỉnh Lâm Đồng trước mắt cũng như lâu dài... đều có sự tham gia đóng góp nhiều công sức, trí tuệ của lực lượng cựu cán bộ, sinh viên Trường Đại học Nông nghiệp I - Hà Nội.  

Ban tổ chức bản thảo tập sách gồm: Phan Hữu Giản (Chủ biên), Nguyễn Văn Sơn, Nguyễn Thanh Đạm, Trần Ngọc Trác, Nguyễn Xuân Thùy, KS. Nguyễn Thanh Hương. Nội dung tập sách gồm 4 phần: Văn, Thơ, Nhạc, Ảnh tư liệu với sự góp mặt của nhiều nhà khoa học, quản lý, văn nghệ sĩ, nhà báo… trong và ngoài tỉnh.